Bàn về lối sống cân bằng

Bạn hãy thử tượng tượng, nếu dòng sông cứ liên tục đổ ra biển nhưng không nhận thêm nguồn nước nào thì sẽ ra sao? – Đến một ngày dòng sông sẽ cạn kiệt

Con người chúng ta cũng vậy, cứ mãi “tuôn chảy” năng lượng ra bên ngoài nhưng không có thời gian vun đắp, dung nạp lại năng lượng bên trong thì có ngày cũng sẽ cạn kiệt sinh lực? (cụm từ “burnout” trong tiếng Anh diễn tả khá đúng hiện tượng này)

Có một câu hỏi mình không bao giờ muốn đưa ra câu trả lời dứt khoát, đó là: “Bạn thuộc kiểu người hướng ngoại hay hướng nội?” – Thật ra hướng nào cũng không thể diễn tả chính xác bản chất “tổng hòa” của một người. Thực tế dù bạn tự đánh giá mình theo hướng nào thì về bản năng, đôi khi chúng ta cần tìm đến mặt còn lại.

Tại sao phải buộc bản thân luôn năng động, tích cực, quảng giao, lăn xả khi thẳm sâu bên trong bạn là sự mỏi mệt và trống rỗng?

Thông thường mọi người sẽ đánh giá cao một người hướng ngoại hơn bởi họ giỏi “thể hiện”, xã giao, hòa đồng và kết nối. Nhưng…, bạn có biết, để một người luôn thừa năng lượng lan tỏa ra ngoài như vậy thì buộc họ phải liên tục tự “nạp năng lượng”, bằng chính nội lực bên trong, hoặc từ năng lượng từ nhiều nhiều người khác nữa, chỉ là bạn không thấy mà thôi. Nghĩa là, họ vẫn cần sự hướng nội để trau dồi, những khoảnh khắc một mình để chiêm nghiệm, học hỏi, phản tư rồi lại quay về hội nhóm quen thuộc.

Nếu bỏ qua những khoảnh khắc “một mình” để rèn luyện nội tâm, con người ta rất dễ rơi vào trạng thái a dua trống rỗng – nghĩa là tìm đến đám đông để tỏ ra mình vẫn ổn, vẫn tốt nhưng thật ra bên trong họ là sự cô đơn và lạc lõng (đến cùng cực).

Vì vậy, sẽ không lạ gì khi một người bạn biết thường ngày vẫn đi lại, gặp gỡ hàng chục người, gương mặt xuất hiện ở nhiều sự kiện khác nhau, là một nhân vật hướng ngoại điển hình bỗng chốc tuyên bố “ở ẩn” vài ba ngày hay thậm chí vài ba tháng. Họ cần khóa các trang mạng xã hội và tham gia các khóa tu thiền để cân bằng lại năng lượng. Một số doanh nhân thành đạt cũng vậy, dù bận cỡ nào cũng sẽ gác lại hết công việc, dành một số ngày nhất định trong năm để “sống hướng nội”, không email hay điện thoại, họ cần một khoảng không để nhìn nhận mọi việc sáng suốt hơn.

Hướng nội theo nghĩa đen là quay vào bên trong, có người hiểu là thích ở một mình và ngại giao tiếp ở chỗ đông người. Nâng tầm định nghĩa, người hướng nội là người tìm thấy niềm vui, niềm an lạc từ bên trong chính mình và họ chủ động lựa chọn như thế, riêng mình rất thích cách hiểu này. Thay vì xem người hướng nội là những kẻ lập dị đáng thương thì có thể bạn phải bắt đầu ngưỡng mộ họ.

Nói đi cũng phải nói lại, cho dù hướng nội có những lợi ích về tinh thần như thế nào, không ai có thể sống mãi trong thế giới của riêng chính mình mà không kết nối với bên ngoài. Thậm chí quá ít giao tiếp nên kỹ năng ăn nói của bạn có thể trở nên vụng về. Mình từng gặp gỡ một số người hướng nội đúng nghĩa, và họ thuộc hai kiểu giao tiếp phổ biến: một là rất trầm, ít nói, chủ yếu là nghe và gật đầu chứ ít khi chủ động dẫn dắt câu chuyện – bạn sẽ cảm thấy thế nào khi từ đầu đến cuối bạn là người duy nhất nhiệt tình?; hai là, có cố gắng tham gia trò chuyện nhưng cách diễn đạt có vấn đề – người nghe sẽ thấy nản và thiếu kiên nhẫn lắng nghe. E rằng sau gặp gỡ một lần sẽ chẳng có lần thứ hai.

Lúc nhỏ, mình cũng từng là một đứa rất trầm và ít nói, một người dì đã nói với mình thế này: “Con phải hoạt bát, năng động lên chứ sao mà cứ lầm lầm lì lì”. Không hiểu sao câu nói đơn giản lại ăn sâu vào tâm trí mình đến bây giờ. Phiên bản Ngân của hiện tại thì hoàn toàn đối lập, hầu như ai mình cũng có thể bắt chuyện, hơn nữa với công việc giáo viên, MC, Trainer thì ôi thôi, nói đến khan cả giọng. Đó không phải là mình cố thay đổi để làm hài lòng dì hay một ai khác, mà vốn dĩ đó là khả năng bên trong được trau dồi, phát triển tự nhiên cùng sự trưởng thành theo năm tháng. Suy cho cùng, xã hội vẫn rất cần những người hoạt bát, lanh lợi, giỏi giao tiếp và kết nối – bạn càng quảng giao, network càng rộng, đi kèm là những cơ hội bất ngờ, và điều này sẽ dễ dàng hơn với những ai hướng ngoại.

Ngoài ra, còn có một khuynh hướng mà ít ai bàn đến, đó là… hướng thượng – nghĩa là hướng đến những điều thanh cao, những giá trị chân – thiện – mĩ. Lần đầu nghe đến thuật ngữ này – mình như ngộ ra một chân lý. Chúng ta ai cũng bị ràng buộc cơm – áo – gạo – tiền của cuộc sống, đôi khi vô tình trở nên thực dụng, cay cú, phàm tục, mất đi tâm hồn lãng mạn – cốt cách thanh cao thuở ban sơ.

Hãy nhớ xem, lần cuối bạn đi bảo tàng là khi nào?

Lần cuối bạn đọc một tập thơ là khi nào?

Lần cuối bạn vẽ một bức tranh là khi nào?

Lần cuối bạn nghe một buổi hòa nhạc là khi nào? Hay chưa bao giờ?

Nghe thật vớ vẩn nếu bạn chỉ quan tâm đến công việc giấy tờ, vật chất, còn đâu thời gian. Đúng vậy, còn đâu thời gian. Nhưng tiếc thay, những “món ăn tinh thần” ấy lại là chất liệu để hướng cuộc sống bạn giàu giá trị nhân văn hơn. Khi tinh thần tao nhã, con người sẽ trở nên hiền hòa, bao dung, trắc ẩn, biết yêu thương hơn. Khi những giá trị chân – thiện – mĩ được đặt lên hàng đầu, chúng ta khó mà sa ngã dù thực tại có khó khăn, phũ phàng đến thế nào. Cho nên, mình nghĩ hướng thượng chính là đỉnh cao của khuynh hướng con người.

Kết lại bài viết này, cả hướng ngoại, hướng nội và hướng thượng ví như ba mũi tên tỏa đi ba hướng bạn cần có – ra ngoài, vào trong hay lên cao là do cách bạn điều khiển tùy theo hoàn cảnh. Đa phần trong cuộc sống, chúng ta cần hướng ra bên ngoài nhiều hơn để kết nối, sẻ chia, nhưng hãy dành ít nhất một khoảnh khắc trong ngày, trong tuần, trong tháng, trong năm để lắng nghe, cảm nhận tâm tư của chính mình, và… đừng quên ngân nga vài bản nhạc Ballad, đọc một quyển sách hay cuối tuần hay ngắm những bông hoa trên đường…

Lần sau nếu vô tình ai hỏi bạn hướng gì? Bạn chỉ cần cười nhẹ và thử bảo họ: “Đoán xem ?”