Có câu: “Nói hay không bằng hay nói”, khi học ngôn ngữ, điều mình làm nhiều nhất không phải là ngồi ghi chép, mà chính là mở miệng và “nhại giọng” nhiều như có thể.

Đó cũng là “bí quyết” duy nhất để bạn cải thiện phát âm. Bạn không thể nói, tớ biết tiếng đó, giỏi tiếng đó nhưng không biết đọc một từ cụ thể như thể nào. Nói về việc học phát âm, bạn càng không thể biết mình nói hay hay dở, chuẩn hay không bằng việc lẩm nhẩm trong đầu.

Để phát âm (articulation) thì cần sự phối hợp nhịp nhàng của lưỡi, răng, môi, hơi thở và âm thanh phát ra từ rung động của dây thanh quản (vocal cord). Vì vậy, đôi khi ta hiểu được quy tắt phát âm và nghĩ mình sẽ đọc chuẩn nhưng khi bật ra từ vựng lại “trớt quớt” do chưa uốn lưỡi, đặt lưỡi đúng vị trí, hay chưa lấy hơi đủ tốt, v.v. Ngay cả tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ thì bạn có tự tin 100% sẽ phát âm tròn vành rõ chữ không?

Có ý kiến cho rằng người hướng nội sẽ bất lợi trong việc học ngoại ngữ hơn do ngại giao tiếp và nói chuyện. Mình thì nghĩ, hướng gì không quan trọng, quan trọng nằm ở sự chủ động và biết điều chỉnh hành vi để đạt được mục đích của mình. Tất nhiên về mặt tâm lý, những bạn hướng ngoại sẽ cảm thấy dễ dàng bắt chuyện và nói luyên thuyên. Từ cái nói nhiều đó thì người nghe hoặc giáo viên sẽ có thể góp ý điểm mạnh hoặc điểm yếu trong phát âm của họ.

Ngược lại, khi dạy các bạn hơi rụt rè và thiếu tự tin, mình phải khuyến khích rất nhiều: “Talk more, you can learn from your mistakes” (Em hãy nói nhiều hơn và sẵn sàng học từ lỗi sai của mình). Chứ mà im im và thiếu luyện tập cơ miệng thì sau này sẽ khó hơn nữa.

Dưới đây là một số cách mình gợi ý để bạn luyện nói và kiểm tra phát âm mỗi ngày:

👉 Đọc to một câu thoại hay một đoạn tiếng Anh vừa học vào Google Translate (bật chức năng nhận diện bằng âm thanh) để xem từ ghi nhận có đúng như từ trong câu gốc. Lần đầu có thể máy ghi nhận chưa đúng, bạn có thể thử lại vài ba lần, nếu vẫn sai hoài thì rất có thể phát âm của bạn có vấn đề. Mình thường hay dùng cách này để test phát âm tiếng Pháp của mình, cũng khá là vui khi lần đầu đã đọc chính xác.

👉 Mỗi sáng thức dậy, trước và sau khi đánh răng, nhìn vào gương và nói to một câu mình thích bằng tiếng Anh để khởi động cơ miệng: “Good morning” cũng được, “I’m beautiful” cũng được”, “You are fantastic” cũng được. Tóm lại nên là một câu tích cực.

👉 Bậc vài bài nhạc US-UK yêu thích, nghe và hát theo để mở đầu một ngày mới nhiều năng lượng.

👉 Rảnh rảnh, bạn hãy mở một video, film ngắn lên, bậc CC (Subtitle) và dùng phương pháp “Shadowing” (nhại giọng) – nghĩa là đọc nối theo tốc độ của nhân vật, có thể kết hợp record (ghi âm), nghe lại để xem giọng mình có hay như giọng người ta không. Hầu hết nhưng cao thủ tiếng Anh đều luyện theo cách này để họ có accent native như vậy. Bạn sẽ biết khi nào cần ngắt nghỉ, lên giọng, xuống giọng, những âm nối, âm lướt trong tiếng Anh,… Để áp dụng phương pháp này hiệu quả, bạn cần lựa chọn video có từ vựng phù hợp level của mình và chủ đề hứng thú một tí. Tránh nghe các đoạn quá advanced dẫn đến mau nản, và bạn thiếu từ thì không thể đọc theo kịp được.

👉 Cuối cùng, mục đích của học bất kỳ một ngôn ngữ nào chính là giao tiếp, luyện một mình hoài cũng chán, tốt hơn là bạn nên tìm một buddy để “cùng tiến” và luyện nói bằng tiếng Anh. Khi giao tiếp thực tế, bạn sẽ luyện được phản xạ, kỹ năng ứng biến với nhiều câu hỏi, chủ đề khác nhau từ đối phương. Vậy làm sao để tìm được “bạn chiến hữu”?

+ Tham gia vào CLB tiếng Anh ở trường, ở địa phương, trong các nhóm Facebook

+ Đăng ký học một khóa tiếng Anh để có ngay những người bạn cùng chí hướng

+ Tham gia các sự kiện, workshop, event bằng tiếng Anh, đặc biệt thỉnh thoảng BC và IDP cũng có workshop IELTS free. Hồi còn là sinh viên mình đã ghé qua, và lúc đó Ngân nhớ đã gặp một chị rất xông xáo, chỉ đã cho mình một câu đầy khích lệ trong khi chỉ mới nghe mình nói mấy câu: “Wao, phát âm của em tốt quá, em học như thế nào vậy?”

+ Kết bạn và giao lưu với những bạn nước ngoài để nghe được nhiều accent hơn và luyện nói với họ. Lúc đó bạn không chỉ học được ngôn ngữ mà còn về văn hóa, kiến thức đó đây nữa. Rất là thích luôn.

Đọc đến đây, hy vọng bạn sẽ cảm thấy có cảm hứng luyện nói nhiều hơn, để khi mở miệng thì tiếng Anh của bạn đã ở một level khác.

Chúc bạn trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình nhé.